Hiển thị các bài đăng có nhãn công nghệ. Hiển thị tất cả bài đăng

Bphone 2017 đã chọn sai thị trường rồi, hãy bắt đầu từ thị trường ngách!

Tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Cảnh Hiệp, thành viên Cộng đồng Marketing Việt Nam. Mời các bạn cùng đọc!




Vừa qua, Bkav ra mắt sản phẩm mới, chiếc Bphone2 hay còn gọi là Bphone 2017. Với nhiều người, đó là sự tò mò, sự nghi hoặc đối với sản phẩm lần này. Còn đối với tôi đây là CHẤT của người đi tiên phong đứng lên sau những lần vấp ngã. Rất, rất, rất đáng khâm phục! Bất kể ai là người khởi nghiệp đều cảm nhận được 4 năm thai nghén sản phẩm rồi thất bại, tiếp tục làm để 2 năm sau lại ra sản phẩm mới là một nỗ lực lớn như thế nào của cả một đội ngũ.

Tuy vậy, dù có dành tình cảm tốt đẹp như thế nào cho Bkav thì thị trường vẫn là thương thường. Sản phẩm và chiến lược không tốt thì anh cũng chết, đồng nghĩa với lý tưởng người Việt vươn ra thế giới của anh cũng chết.

Tôi muốn chia sẻ một góc nhìn về sản phẩm Bphone2017 của Bkav mà theo tôi thấy còn chưa hiệu quả về cách tiếp cận thị trường. Có thể là võ đoán nhưng tôi hi vọng sẽ là một review có ích cho các anh trong những thử thách tiếp theo.

Tính chất thị trường mà BPhone 2017 tham gia: Sai lầm trong cách chọn thị trường


Sản phẩm của Bkav còn chưa được bán ra thị trường nên không thể khẳng định là thành công hay thất bại được. Tuy nhiên tôi dùng từ "sai lầm" ở đây vì nghĩ rằng nó sẽ thất bại (sau khi thất bại rồi mới phân tích thì không có ý nghĩa lắm), bằng trực giác và bằng một vài lý do sau:

1. Chưa đủ tầm với Top Share trong phân khúc


Có 3 loại thị trường (theo tính chất) là "thị trường sẵn có", "thị trường tiềm tàng" và "thị trường sáng tạo".

Theo như màn ra mắt giới thiệu sản phẩm thì anh Quảng chọn loại "thị trường sẵn có" với chiến lược phân khúc, cụ thể chiệc Bphone 2017 được định vị thuộc phân khúc cận cao cấp.

Để thành công ở thị trường này thì cách làm cơ bản là bám vào các nhu cầu tiêu chủân có sẵn của thị trường (selfie, pin trâu, tốc độ xử lý chip, âm thanh, thiết kế...), tìm ra những điểm "chưa hài lòng", "thiếu sót" đối với các sản phẩm điện thoại hiện có và giải quyết các vấn đề đó "tốt hơn" (Bkav gọi là CHẤT hơn). Ví dụ: Pin trâu hơn, chip mạnh hơn, camera xịn hơn, nghe nhạc trong hơn, trải nghiệm người dùng trau chuốt hơn...). Đây là những phát súng bắn vào thị trường mà các chuyên gia marketing trên thế giới gọi là "30% Innovation" mà tôi sẽ giải thích ở phần sau.

BPhone 2017 có thiết kế giống hệt chiếc Vivas Lotus S3 LTE
Vấn đề là khi chọn phân khúc cận cao cấp với những Iphone 6 plus, Samsung Galaxy S7..., tôi giả thiết Iphone 6s Plus đang là Top Share ở thị trường này với 40% thị trường.

Nguyên tắc đầu tiên và cũng là điều kiện cần trong marketing để cạnh tranh trong thị trường là phải đưa được Top Share vào trong "tầm bắn". Chuẩn bị bao nhiêu đạn (CHẤT hơn) rồi mà đối thủ chưa trong tầm bắn thì cũng vô dụng. Theo nghiên cứu thì tầm bắn tối thiểu là 0,63 của Top Share, tức là Bkav phải xác định chắc chắn chiếm khoảng 25% thị trường thì hãy tham gia. Theo trực giác của tôi con số này hiện tại Bkav có thể đạt được là <10%. Bé hơn 10% là con số dẫn đến lợi nhuận âm cho doanh nghiệp.

Tất nhiên phân khúc (trung cấp, cận cao cấp, cao cấp) chỉ là bước phân khúc 1, khi phân khúc nhỏ thêm nữa thì câu chuyện lại khác (phân khúc theo độ tuổi, giới tính, mục đích, sở thích...). Ở một sản phẩm mới thì quy mô thị trường tỉ lệ nghịch với tỉ lệ thành công. Tức là quy mô thị trường càng nhỏ thì càng dễ thành công. Tôi giả thiết là Bkav đã chọn đựơc cho mình thị trường như vậy rồi, chẳng hạn thị trường phụ nữ thích "selfie", cận cao cấp, Bphone 2017 chiếm 25%, Iphone 6 plus chiếm 40% - tức là trong tầm ngắm lật đổ đựơc.

2. Sản phẩm chưa đủ mạnh


30% Innovation là một quy tắc về con số hơn đối thủ 30%, gây ra ấn tượng và sự thay đổi lựa chọn trong tâm trí người tiêu dùng. Ví dụ: Pin của Apple là 2900mA thì pin của tôi là 4500mA (1,5 lần), họ dùng được 2 ngày thì tôi dùng được 3 ngày mới phải sạc. Như vậy mới gây được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Còn nếu pin cũng chỉ 3500mA thì hầu như khách hàng không so sánh. Có những trường hợp không lượng hoá được như trường hợp màn hình cong của Samsung thì phải dựa vào phản ứng của người dùng có bất ngờ như kiêủ "Ồ, Wow", hay "Chất quá" hay không.

Vậy câu hỏi đặt ra là những phát súng 30% Innovation Bkav muốn "găm vào đầu" Apple ở đây là gì?


Nhìn vào sản phẩm Bphone2017 hiện tại tôi chưa thấy được "viên đạn" nào đủ mạnh như vậy cả. Pin trâu hơn, chip mạnh hơn, camera xịn hơn, nghe nhạc trong hơn, trải nghiệm người dùng trau chuốt hơn... Nhiều cái "hơn" nhưng lại chẳng có cái nào "hơn hẳn", làng nhàng như vậy thì khó có thể thành công được. (Đó là chưa kể có hơn thật không, chất thật không)

Có chiến lược tiếp cận nào khác không?


Có. Thị trường ngách. Trở thành số 1 ở thị trường ngách.

Thị trường ngách định nghĩa đơn giản là thị trường mà các ông lớn không nhúng tay vào bởi quy mô bé hơn mà lại đòi hỏi cao hơn. Thử so sánh đơn giản:

Thị trường A 100 triệu, doanh thu 10 triệu, chiếm 10%, No.5

Thị trường B 30 triệu, doanh thu 10 triệu, chiếm 33%, No.1

Không cần nói cũng biết lợi nhuận thu được ở thị trường B 30 triệu là cao hơn rồi. Hơn nữa nếu tiếp cận thị trường ngách chúng ta sẽ "ra thế giới" dễ hơn. Có công ty ở Nhật là vua trong thị trường cái lô mực trong máy in với hơn 120 triệu đô doanh thu một năm xuất ra toàn thế giới.

Mọi người nghe từ "thị trường ngách" thường có ấn tượng nhỏ, nghi hoặc, không hấp dẫn. Tuy nhiên đây lại là hướng tiếp cận thị trường khôn ngoan nhất. Khi đủ lớn mà TOP SHARE vào tầm ngắm rồi sẽ có cơ hội lật đổ. Gần giống chiến thuật du kích vang danh thế giới của quân đội Việt Nam chúng ta.

Để trở thành No.1 trong thị trường ngách:

1.Phải đào sâu, làm triệt để một kỹ thuật đặc thù

2.Tỉ lệ thành công lúc ban đầu tỉ lệ nghịch với quy mô thị trường.

3.Bán đắt chứ không bán nhiều

4.Tránh làm sản phẩm đại trà

5.Mượn các nguồn lực bên ngoài còn thiếu.

Ở Nhật có công ty chuyên sản xuất smartphone cho người già. Ưu điểm là màn hình cảm ứng dạng phím, to, dễ nhìn dễ bấm, đo nhịp tim, tình trạng sức khoẻ, lúc khẩn cấp có nút bấm gọi con cháu như một loại máy quản lý sức khoẻ người già. Họ còn đang xuất sang các nước phát triển vì nhu cầu con cái mua cho bố mẹ để chăm sóc cho tiện là hoàn toàn có.

Vậy nên tôi nghĩ tại sao thay vì việc chạy đua với các ông lớn về công nghệ chúng ta không tự mở hoàn toàn một ngách riêng, một hướng đi riêng cho mình ra thế giới nhỉ!?

- Bphone 2018 camera 100megapixel, giữ những khoảnh khác trải nghiệm trọn vẹn.

- Bphone 2019 pin 50000mA, dùng nửa tháng không cần sạc.

- Bphone 2020 loa 5.0, Ôtô của bạn hãy để dàn âm thanh Bphone bao trọn.

Theo Nguyễn Cảnh Hiệp - Trí Thức Trẻ.

Nguyên nhân khiến tốc độ internet bị chậm thời gian gần đây

Tuyến cáp AAG sẽ được bảo trì từ 22/6 - 28/6. Trong 6 ngày này, Internet đi quốc tế ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

AAG là hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2 terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Có 4 nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư vào dự án này gồm Viettel, VNPT, FPT Telecom và SPT. Các nhà mạng quốc tế tham gia đầu tư là 15 công ty.

Theo tin từ một công ty viễn thông trong nước, cáp quang biển AAG sẽ được bảo trì vào lúc 23 giờ ngày 22/6 và hoàn tất vào 28/6. Do đó, trong khoảng 6 ngày này, tốc độ truy cập internet quốc tế qua tuyến cáp quang AAG ở Việt Nam sẽ bị chậm do hạn chế lưu lượng.

Bảo trì hệ cáp AAG từ ngày 22/6 đến 28/6.

Theo nguồn tin trên, đơn vị bảo trì cáp AAG sẽ phải tiến hành cấu hình lại hệ thống nguồn và hàn cáp quang phân đoạn nối giữa Việt Nam đi các hướng Mỹ và Hongkong. Phân đoạn giữa Việt Nam và Hongkong sẽ được hàn từ ngày 22/6 đến 27/6. Sau đó, phân đoạn này sẽ được ngắt liên lạc và cấu hình nguồn đến ngày 28/6 mới có thể trở lại hoạt động. 

Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế website và truyền thông cho biết: trong thời gian AAG bảo trì, các dịch vụ phổ biến như Facebook, Google,... hay các trang quốc tế nói chung sẽ khó truy cập hoặc truy cập chậm. Việc truy cập internet đến các trang và dịch vụ trong nước vẫn bình thường.

Cũng theo nguồn tin này, một nhà mạng cho biết đã chuẩn bị sẵn các phương án để ưu tiên đường truyền cho các dịch vụ quan trọng trong thời gian bảo trì tuyến cáp AAG.

Những lần cáp AAG gặp sự cố trước đây


Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp này đã không ít lần gặp sự cố, ảnh hưởng nhiều đến người dùng bởi đây là tuyến Internet quốc tế chủ yếu của Việt Nam. Trong đó, đứt cáp hay xảy ra nhất tại đoạn Hong Kong đến Singapore. Các phân đoạn Hong Kong đi Philippines và Philippines đi Mỹ ổn định hơn.

Trong năm 2014, tuyến cáp AAG 2 lần bị đứt vào tháng 7 và 9. Năm 2015, số lần đứt cáp là hơn 3 lần. Lần gần nhất AAG được bảo trì là đầu tháng 3-2016 do sự cố rò rỉ nguồn điện từ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân.

Xàm Xí Đú t/h.

Cuộc chiến mạng xã hội: Facebook đã đánh bại Google như thế nào?

Cả Google Plus lẫn Facebook đều là các trang mạng xã hội cho phép tương tác người dùng cao nhất hiện nay. Và đồng thời, cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau, bên cạnh những Twitter, Instagram, Pinterest,... Nhưng trong bài viết này, Xàm Xí Đú sẽ chỉ nói với Facebook và Google Plus, và cách nào đã khiến Google Plus bị đánh bại bởi đối thủ lớn nhất của mình, Facebook.


Facebook đã đánh bại Google Plus như thế nào?

Facebook đã phản ứng nhanh chóng với mạng xã hội từ Google, và toàn bộ công ty phải tận dụng hết sức lực nhằm đánh bại đối thủ.

Và đây là lược dịch từ bài viết của tác giả Antonio García Martínez được đăng trên Vanity Fair về cuộc chiến giữa Facebook và Google Plus năm 2011.

Mark Zuckerberg là một thiên tài. Nhưng Mark không thiên tài kiểu Steve Jobs với mỗi sản phẩm đều hoàn hảo, ông chủ Facebook đã có nhiều thất bại như thương vụ với HTC, sai lầm khi dùng HTML5 vào năm 2012 khiến phiên bản mobile chậm chạp… Còn nhiều ví dụ tương tự nữa.

Thay vào đó, Mark là một thiên tài theo kiểu kinh điển, một kẻ muốn tạo ra trật tự thế giới mới, kẻ gây ảnh hưởng đến những người dưới quyền. Các nhân viên thời kỳ đầu luôn nể phục Mark bởi “hào quang” và tầm nhìn của anh.

Nhiều công ty tại Silicon Valley xây dựng nền văn hóa ưu tiên kỹ thuật, nhưng Facebook đã mang điều này lên một tầm cao mới. Các kỹ sư cầm trịch Facebook, và miễn code của bạn tốt, thì bạn được trọng dụng.

Người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện về chàng thanh niên Chris Putnam với con virus tự chế khiến Facebook lao đao, xóa dữ liệu người dùng. Thay vì kiện cáo và tống Chris vào tù, Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook đã tuyển anh này về.

Christ sau đó trở thành một trong những kỹ sư nổi bật nhất của Facebook. Đó là một tư duy độc đáo vào thời điểm đó: khi anh làm được việc, chẳng ai quan tâm đến những thứ đạo đức truyền thống lằng nhằng nữa.

Đó là nền văn hóa doanh nghiệp đã mang lại 500.000 USD mỗi năm cho một thanh niên 23 tuổi. Nền văn hóa đó cũng khiến nhân viên chú tâm làm việc trong một thành phố phồn hoa với kẻ lắm tiền.

Các nhân viên ăn ba bữa một ngày, thi thoảng ngủ lại công ty và chẳng làm gì ngoài viết code, sửa code, hoặc cãi nhau về các tính năng mới trong một nhóm Facebook nội bộ.

Facebook cũng đánh dấu việc được tuyển dụng nhân viên mới hoành tráng với những buổi lễ, thề hẹn và cả một chương trình kỷ niệm với tên gọi Faceversary, nơi mọi đồng nghiệp cùng chúc tụng và tán dương bạn trên con đường mới.

Tương tự, khi công việc kết thúc, bạn sẽ có cảm giác mình vừa chuyển đến một thế giới khác hoàn toàn, Facebook sẽ đăng tấm thẻ nhân viên sờn cũ của bạn lên tường, cùng với vài dòng tin chia tay tự viết, nhận hàng trăm lượt thích và bình luận sau đó.

Nhân viên cũng sẽ rời các nhóm riêng, và họ có thể tham dự vào nhóm cựu nhân viên, nơi mọi người vẫn bàn về Facebook với tư cách khác.

Nói thế để thấy, Facebook tạo ra một môi trường đầy khuyến khích, nơi mọi nhân viên thuộc nằm lòng lời hiệu triệu tạo ra một “thế giới mở và gắn kết hơn”.

Và họ không làm thế chỉ vì tiền

Facebook đầy rẫy những kẻ tràn ngập quyết tâm về một thế giới mà mọi cá nhân đều dán mắt vào mạng xã hội với banner xanh trắng. Đó là điều đáng sợ, bởi nó không phải là lòng tham.

Mọi kẻ tham lam đều có giá của chúng, và hành động của chúng thì dễ đoán định. Nhưng một kẻ đi chinh phạt sẽ không thể mua được bằng tiền, cũng như không ai biết được hắn và những kẻ theo chân sẽ làm gì để đạt được mục đích.

Tháng 6/2011, Google tung ra mạng xã hội Google Plus, không giấu ý định gắn kết nó với các sản phẩm khác như Gmail hay YouTube. Với số lượng người dùng khổng lồ của Google, Google Plus ngay lập tức là mối họa tiềm năng của Facebook, họ cũng có nhiều tính năng ngon lành hơn Facebook như chia sẻ hình ảnh, giao diện thân thiện, gọn gàng hơn.

Thêm vào đó, Google Plus không có quảng cáo bởi Google đã kiếm đủ từ AdWords. Với sự hậu thuẫn của công cụ tìm kiếm Google, họ có lợi thế để chiếm lĩnh mạng xã hội.

Nước đi này ít nhiều gây bất ngờ, dù Google là một thành trì bất khả xâm phạm trong nhiều năm với search là lũy thành chính, họ vẫn lo lắng khi hàng loạt nhân sự của mình tìm đến Facebook. Đây không chỉ là sự chảy máu chất xám, bởi mỗi nhân sự Google mất đi, Facebook lại mạnh lên một chút.

Facebook (trái) đông nghịt nhân viên vào Chủ nhật, trong khi Google vắng lặng như tờ. Photo by Vanity Fair.
Google Plus là phát pháo bắt đầu một cuộc chiến mới, và đó là quả bom được dội” thẳng chứ không chỉ là những cú ve vuốt thông qua các hội thảo, sự kiện. Facebook đã nhận một cú chí mạng, và họ lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp trong nội bộ công ty.

Mark Zuckerberg tập hợp tất cả nhân viên trong bài phát biểu “Lockdown” năm 2011. Mục tiêu rất rõ ràng: đây là cuộc chiến giành người dùng, rằng Google đã có sản phẩm mới, rằng mỗi người dùng Facebook mất đi sẽ là một chiến thắng của đối thủ, và ngược lại.

Đây là phép thử lớn nhất cho sức hấp dẫn của hai mạng xã hội, Mark gợi ý một cách mơ hồ về những thay đổi cần có để giữ vững ngôi vị. Ý tưởng chính: tăng cường độ tin cậy, trải nghiệm người dùng và khả năng hoạt động của trang.

Lý thuyết của Facebook cũng rất khác, thay vì chăm chút đến từng chi tiết nhỏ như Apple, văn phòng của Facebook dán đầy những khẩu hiệu như “Xong việc thì tuyệt hơn hoàn hảo” hay “Hoàn hảo là kẻ thù của tốt đẹp”. Họ thà tung ra một sản phẩm còn khiếm khuyết hơn chăm chăm vào sản phẩm lý tưởng nhưng chỉ nằm trên giấy.

“Carthage phải bị tiêu diệt”, Mark kết thúc bài phát biểu bằng trận hỗn chiến từ lịch sử Hy Lạp, và những nhân viên Facebook rời khỏi phòng họp với khí thế của những mãnh tướng.


Các tấm khẩu hiệu, băng rôn đầy khí thế bắt đầu được treo khắp công ty. Các quán cafe trong khuôn viên Facebook sẽ mở suốt ngày đêm, mọi trụ sở sẽ làm việc không nghỉ. Facebook làm việc 24/7 và nhân viên được yêu cầu có mặt toàn thời gian. Người nhà sẽ được đến văn phòng để thăm người thân vào mỗi cuối tuần.

Đó là những ngày gian khó, khi mỗi cá nhân đều hy sinh ít nhiều đời sống riêng tư vì mục đích chung, có thể ví sự hy sinh là thước đo cho hiệu quả công việc.

Đây là một cuộc chiến người dùng, khốc liệt hơn nhiều so với cuộc chiến giành lợi nhuận.

Bộ phận giao diện, về ứng dụng, phải nghĩ kỹ hơn trước khi ra mắt một tính năng nhằm giữ Facebook gọn gàng. Bộ phận quảng cáo bị thúc ép đưa ra các chiến dịch mới. Đội ngũ kỹ thuật được yêu cầu tăng tốc Facebook hết mức có thể. Các nhóm nội bộ Facebook dành sức lực phân tích từng chi tiết của Google Plus.

Vào ngày Plus ra mắt, Mark cùng vài nhân sự cấp cao được phát hiện đang làm việc với Paul Adam - một trong các nhà thiết kế từng làm việc về Google Plus trước khi đến Facebook.

Google Plus rõ ràng không chơi đùa, các tin tức của mạng xã hội này, rò rỉ một cách vô tình hay cố ý cho thấy mọi hoạt động của Google đã được định hướng để xoay quanh Google Plus. Ngay cả Search, một trong những tính năng được dùng nhiều nhất trên Internet cũng định hướng mọi người, và mọi hoạt động chia sẻ hình ảnh, thậm chí cả chat đều được dùng để đẩy mạnh Plus.

Các lãnh đạo của Google như Larry Page không giấu giếm chuyện đó, dù cho điều này làm Google xáo trộn ít nhiều.

Không ngừng lại ở đó, Google liên tục công bố các con số ấn tượng. Tháng 12/2012, họ thông báo đã có 400 triệu tài khoản đăng ký và 100 triệu người dùng thường xuyên, cột mốc mà Facebook phải mất 4 năm mới có được.


Dường như trận chiến quá lớn ở một vùng đất xa lạ đã khiến Google rời bỏ những chiến thuật thông thường như dữ liệu hay các thông tin về kỹ thuật, thay vào đó họ tung ra các con số khổng lồ để gây ấn tượng với làng công nghệ và rõ ràng để “hù dọa” Facebook.

Con số này ban đầu gây lo lắng cho nội bộ Facebook (và cả những kẻ bên ngoài), nhưng sau đó các đối thủ nhận ra chúng chỉ là số ảo, không thực sự mang lại giá trị.

Google đã tính tất cả những người click vào nút Google Plus trên mạng là “người dùng thường xuyên”, dù đó gần như chỉ là những cú click vì tò mò sau khi Google phổ cập nút bấm đó nhanh như nấm mọc sau mưa.

Thực tế, người dùng Google Plus rất ít khi đăng tin hoặc tương tác với các nội dung trên đó so với Facebook.

Cái kết đã được báo trước

Vic Gundotra, cựu lãnh đạo Microsoft, đã thầm thì những lời gây sợ hãi vào tai Larry Page, và khiến ông lớn này vội vã tung ra sản phẩm chỉ trong 100 ngày, ngược lại với sự cẩn thận trước đây của họ.

Vic cũng ba hoa về Google Plus mọi lúc mọi nơi, chẳng thèm xem Facebook ra gì, thậm chí không ít lần xách mé mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Trong khi đó, các tính năng của Google Plus không thực sự độc đáo, nhiều trong số đó copy y chang từ đối thủ.

Cũng đột ngột như thế, tháng 4/2014, Vic bất ngờ tuyên bố rời khỏi Google, và Google Plus như một chiến hạm chìm nghỉm cùng với sự rời đi của thuyền trưởng.

Thất bại được xác nhận khi đội ngũ Google Plus được chuyển sang phát triển nền tảng Android. Google cũng đổi định dạng Plus từ “sản phẩm” sang “nền tảng”.
Cuộc chiến kết thúc, Facebook đã đánh một trận quá trên cơ.

Và Facebook một lần nữa khẳng định rằng họ là một vương quốc bất khả xâm phạm, ít nhất là từ những đe dọa bằng tiền-và-quyền kiểu truyền thống như Google.

Đây vẫn chỉ là bước khởi đầu, Google vẫn lớn gấp 5 lần Facebook nói về quy mô công ty, và Facebook vẫn chưa có cách thu tiền người dùng.

Nếu họ thực sự muốn giữ mình trước Google (chưa kể đến những kẻ vung tiền như giấy kiểu Apple hoặc Amazon), họ sẽ cần những nguồn thu chủ động, như AdWords từ Google hay iPhone của Apple. Mỏ vàng ấy dường như sẽ đến từ người dùng di động, dù chưa thông tin nào là chắc chắn.

Xàm Xí Đú t/h - Theo Zing.

Loạt máy tính bảng giải trí tốt đang được bán với giá tốt trên thị trường

Máy tính bảng phổ thông là phân khúc vẫn thu hút sự tham gia của khá nhiều tên tuổi. Trong tầm giá dưới 5 triệu đồng, người dùng có nhiều lựa chọn tốt cả về thiết kế lẫn cấu hình.


Thị trường máy tính bảng đang có dấu hiệu chững lại. Lượng sản phẩm mới trình làng ngày một ít. Ở nhóm cao cấp, cuộc chơi dường như chỉ dành riêng cho Apple, Samsung. Ở nhóm thấp hơn, người dùng có nhiều lựa chọn đến từ Lenovo, Asus, Samsung, Mobell.

Dưới đây là tổng hợp 5 mẫu máy tính bảng giá tốt, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của người dùng.

1. Samsung Galaxy Tab A 2016 (4,5 triệu đồng)


Mẫu tablet này vừa có mặt trên thị trường. So với các model khác, phiên bản 2016 ấn tượng hơn với thiết kế dễ dùng, cấu hình khá.

So với bản tiền nhiệm Galaxy Tab A, bản 2016 có thiết kế gọn gàng hơn với màn hình 7 inch, độ phân giải HD. Samsung không chạy đua về cấu hình trên Galaxy Tab A mà tập trung nhiều vào trải nghiệm người dùng. 

Máy chạy hệ điều hành Android 5.1, dùng chip Qualcomm Snapdragon 410, RAM 1,5 GB, bộ nhớ trong 8 GB, thẻ nhớ ngoài với dung lượng tối đa lên đến 200 GB. Thỏi pin 4.000 mAh của Galaxy Tab A có thể chơi nhạc liên tục trong vòng 11 giờ.

2. Lenovo Phab 2G (4,5 triệu đồng)


Nếu cần một chiếc tablet nhỏ gọn, cấu hình tốt thì Lenovo Phab bản 2 GB là lựa chọn khá. Máy được trang bị màn hình IPS 7 inch, độ phân giải HD. 

Các thông số khác đi kèm bao gồm chip Qualcomm Snapdragon 410 xung nhịp 1,2 GHz, RAM 2 GB, bộ nhớ trong 16 GB và có thể mở rộng dung lượng lưu trữ qua khe cắm thẻ nhớ ngoài tối đa 64 GB. Thỏi pin 4.250 mAh cũng đáp ứng tốt nhu cầu giải trí.

3. Asus ZenPad 7.0 (3,6 triệu đồng)


Asus ZenPad 7 là chiếc tablet thú vị với thiết kế giống một chiếc ví thời trang. Máy chỉ có 3 màu gồm đen, trắng và nâu. Tuy nhiên, người dùng có thể tháo bỏ nắp lưng để thay thế bằng nhiều màu sắc khác nhau. Asus gọi đó là Zen Case, bản nắp lưng tích hợp pin sẵn có tên Power Case với dung lượng 2.150 mAh. Chiếc Audio Cover vừa đóng vai trò bảo vệ máy, vừa có phần loa âm thanh vòm 5.1 công nghệ dts-HD.

ZenPad 7 cũng sở hữu cấu hình khá với chip Intel Atom x3-C3230 lõi tứ, đồ hoạ Mali-450, dung lượng lưu trữ trong 16 GB, RAM 2 GB.

4. Mobell Tab 8 (2,9 triệu đồng)


Mobell Tab 8 có thiết kế khá giống với iPad của Apple với khung máy bằng kim loại, các chi tiết được gia công tỉ mỉ.

Máy sử dụng chip MediaTek 8382 4 nhân, tốc độ CPU 1,2 GHz, RAM 1 GB và bộ nhớ trong 8 GB, có thể mở rộng thẻ nhớ lên tối đa 32 GB. Điểm thú vị là màn hình 8 inch của máy hiển thị theo tỷ lệ 4:3. Thiết kế này sẽ khiến máy hiển thị được nhiều nội dung hơn khi đọc sách, báo.

5. Asus ZenPad C 7.0 (2,9 triệu đồng)


Zenpad C 7.0 làm bằng chất liệu nhựa nhưng được gia công tốt, mặt sau giả da dạng vân chéo cho cảm giác cầm nắm tốt hơn và không bị bám dấu vân tay. Máy có thiết kế nhỏ gọn, năng động với 4 màu cơ bản là đen, trắng, xám và đỏ.

Về cấu hình, Asus ZenPad C 7.0 chạy hệ điều hành Android 5.0 Lollipop trên nền tảng vi xử lý Intel Atom X3 C-3230 4 nhân , 64 bit. Máy có RAM 1 GB, bộ nhớ trong 8 GB, pin 3.950 mAh.

Trên đây là những mẫu tablet đang được bán với giá rất tốt trên thị trường, với cấu hình đáp ứng khá tốt để giải trí cũng như công việc văn phòng hàng ngày. Chúc các bạn lựa chọn được sản phẩm phù hợp cho mình.

Xàm Xí Đú t/h.